Sản phẩm hàng hóa trôi nổi, nhái nhãn mác sẽ bị người tiêu dùng loại trừ khi có tem truy xuất nguồn gốc.
Ngày 1/7, ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cho biết cơ quan này đã xây dựng và trình Bộ Khoa học và Công nghệ đề án tổng thể quốc gia về dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Sau khi Bộ chấp thuận, đề án sẽ được trình Chính phủ phê duyệt, triển khai trên cả nước.
Trước mắt Thừa Thiên Huế và Bến Tre được Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thí điểm dán tem ứng dụng mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất.
Với Thừa Thiên Huế, hai doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đặc sản của tỉnh là mè xửng Thiên Hương và dầu tràm Kim Vui sẽ áp dụng ngay việc dán tem truy xuất nguồn gốc. Đây là những doanh nghiệp đầu tiên triển khai thực tế sau chương trình hợp tác hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng mã số mã vạch cho các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng ký kết hôm 30/6.
Việc áp dụng thí điểm thành công là cơ sở cho việc mở rộng sử dụng tem truy xuất nguồn gốc và ứng dụng mã số, mã vạch sản phẩm hàng hóa trên toàn quốc.
Cách đây một tháng, Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng đã công bố đưa vào ứng dụng phần mềm quét mã vạch Scan and Check. Đây là phần mềm chính thống của quốc gia lần đầu tiên được công bố giúp người tiêu dùng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm mình chọn mua. Phần mềm có thể sử dụng trên điện thoại hệ điều hành Android và IOS, cho phép kiểm tra tính hợp pháp, xuất xứ hàng hóa
Hiện Việt Nam có 25.000 doanh nghiệp được cấp mã số mã vạch. Trong số này có tới 15.000 đơn vị ngừng hoạt động hoặc bị thu hồi mã doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp không cập nhật đủ thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý và người tiêu dùng trong quá trình giám sát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.
Nguồn: vnexpress.net