Việt Nam đang trên đà phát triển và lấy công nghệ làm chất xúc tác cho mọi ngành nghề. Vậy nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam đã phát triển tới mức nào và những mô hình nào được cho là tiềm năng nhất năm 2018?
Theo định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, mục tiêu năm 2020 chúng ta phải có ít nhất 10 khu nông nghiệp công nghệ cao cùng 200 doanh nghiệp làm về lĩnh vực này. Nhưng nhìn lại những gì chúng ta đã đạt được ở cuối năm 2017 thì con số 20 doanh nghiệp tham gia vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam thực sự đáng buồn.
Tuy nhiên, chúng ta cần thừa nhận rằng sự nỗ lực của các doanh nghiệp đầu tư và phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mang lại nhiều kết quả tốt. Các quy trình sản xuất nông sản được tối ưu chi phí, tăng năng suất và có thể cung ứng sản phẩm đủ cho cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Tiếp tục chủ trương hướng đến một đất nước có nển nông nghiệp vững chắc, bền vững, cùng xem năm 2018 có những mô hình tiềm năng nào nhé.
Mô hình nuôi tôm trong nhà kính
Là đơn vị tiên phong đưa công nghệ cao vào trong nuôi trồng tôm trong nhà kính, Công ty CP Việt Úc chi nhánh tại Bạc Liêu đã đầu tư hơn 180 tỷ đồng cho diện tích 50ha nuôi tôm. Năm 2017, mô hình nuôi tôm trong nhà kính của Công ty đạt sản lượng 50 – 70tấn/ha/vụ tương đương khoảng 300 tấn/ha/năm. Như vậy, so với hình thức nuôi trồng tôm truyền thống thì mô hình nuôi tôm trong nhà kính đã nâng sản lượng lên gấp hơ
n 10 lần và trở thành một trong những mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam thành công nhất hiện nay.
Trên thực tế có khá nhiều cách thức nuôi tôm khác nhau từ nuôi quản canh (3-6 con/m2) hay bán thâm canh (70-100 con/m2)… Tuy nhiên mô hình nuôi tôm trong nhà kính được gọi là mô hình siêu thâm canh cho khả năng nuôi tôm với mật độ cao nhất từ 300 đến 500 con/m2.
Theo đó, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh này sẽ được ứng dụng các công nghệ cao: công nghệ nhà màng Isarel, công nghệ vi sinh, công nghệ lọc nước (Đức-Mỹ)… Chi phí đầu tư cho mô hình này ngốn khoảng 7 tỷ đồng/ha cao gấp 10 lần so với các hình thức quản canh và bán thâm canh. Tuy nhiên, sản lượng tôm lại lớn hơn 10 lần so với hình thức nuôi tôm cũ mà giá tôm lại được đảm bảo hơn, ít rủi ro hơn.
Mô hình trồng rau “khí canh”
Có lẽ khái niệm trồng rau “khí canh” còn khá mới bởi đây là mô hình trồng rau lơ lửng trên không mà rất ít nơi áp dụng. Trong các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, trồng rau khí canh là một trong những mô hình độc lạ nhất. Tuy nhiên, ở các nước phát triển nông nghiệp hiện đại thì công nghệ trồng rau khí canh đã phổ biến từ lâu giúp đáp ứng nhu cầu rau sạch trên diện tích đất nhỏ hẹp.
Tại Việt Nam, mô hình nhân giống khoai tây “khí canh” đã được thực hiện thành công bởi các nhà khoa học của Viện Sinh học Nông nghiệp Việt Nam. Đây mới chỉ nói về mô hình nhân giống khoai tây chất lượng cao còn mô hình trồng rau sạch khí canh đã thành công từ trước đó, được nhiều đơn vị sản xuất rau sạch áp dụng.
Mô hình trồng rau khí canh tỏ ra hiệu quả hơn với thời điểm hiện tại khi rất tiết kiệm nước (nguồn tài nguyên đang ngày càng ô nhiễm). Hệ thống sẽ phun sương để cung cấp nước cho cây treo trên cao và cũng có thiết bị lấy lại nước bay hơi để tận dụng lại.
Bên cạnh mô hình trồng rau khí canh, mô hình trồng rau thủy canh cũng từng được ứng dụng rất phổ biến và sản phẩm từ mô hình thủy canh đang hiện diện trong nhiều bữa ăn gia đình Việt. Ưu điểm nổi bật của mô hình trồng rau thủy canh là tận dụng được tất cả rau sạch, không bị ung úa, nấm làm hỏng lá như trồng dưới đất.
Mô hình trồng nấm ứng dụng công nghệ cao
Hưởng ứng phong trào nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, ông Tăng Đức ở Đức Trọng – Lâm Đồng đã phát triển trại nấm mỡ để giờ đây có doanh thu triệu đô, chất lượng được vinh danh số 1 thị trường trong nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
Tổng cộng chi phí cho dây chuyền sản xuất nấm mỡ của ông Đức tốn khoảng 1 triệu USD nhưng những máy móc hiện đại mà ông đưa vào dây chuyền đều nâng mức sản lượng mỗi tháng lên gấp 10 lần. Mỗi tháng dây chuyền của ông Đức có thể xuất ra 15 tấn nấm mỡ mà vẫn đảm bảo được chất lượng.
Theo GĐ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng: trại nấm mỡ của ông Đức là một trong những mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao hiện đại tiên tiến nhất ở Việt Nam. Sản phẩm từ mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP đồng thời có thể xuất khẩu qua nhiều nước lớn chính là tín hiệu đáng mừng. Mô hình này chắc chắn sẽ rất tiềm năng vào năm 2018 tới đây.
Nguồn: Tinnongnghiep