Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, phát triển nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam cần tránh hình thức, qua loa, không nói quá nhiều mà cần tập trung vào hành động.

Phát biểu tại diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0” sáng 14/10, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Cần có nhận thức đúng đắn về “nông nghiệp 4.0”.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, làm nông nghiệp hiện đại phải ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị hiện đại vào sản xuất.

“Nông nghiệp 4.0” sẽ hỗ trợ người nông dân rất nhiều trong sản xuất, canh tác và tạo ra hàng hóa sản phẩm tốt, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tác động xấu của môi trường. Đây là điều tất yếu, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng và Việt Nam không thể ‘lỡ chuyến tàu’ này”, Phó thủ tướng cho biết.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ chịu nhiều rào cản để phát triển nông nghiệp 4.0, nên phải tiếp cận khôn ngoan, thông minh để đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho cộng đồng, đem lại hàng hóa xuất khẩu.

Các chuyên gia lưu ý việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải phù hợp với đặc thù với ngành hàng và ưu tiên chuyển dịch lao động. Ảnh: Thạch Thảo.

“Các nước không nói nhiều đến nông nghiệp 4.0 nhưng họ làm thì dữ lắm. Chúng ta bớt nói đi, cần làm nhiều hơn. Sản phẩm cuối cùng của chúng ta là để phục vụ con người, đó là tiêu chí cao nhất. Cần có nền nông nghiệp thông minh, tiếp cận thông minh và khôn ngoan”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, nông nghiệp hay công nghiệp 4.0 đều mang lại rủi ro rất lớn cho những ngành có nhiều lao động. Do vậy khi phát triển cần quan tâm đến chuyển dịch lao động hợp lý, bởi hơn 40% lao động cả nước là làm nông nghiệp, 60% dân cư sống tại các vùng nông thôn.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ & Môi trường, Bộ NN&PTNT, thuật ngữ nông nghiệp 4.0 được sử dụng đầu tiên tại Đức, tương tự với “Công nghiệp 4.0”.

“Nông nghiệp 4.0” ở châu Âu được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị (có thể hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp).

Còn GS. TS. Nguyễn Văn Bộ, nguyên Viện trưởng Viện Nông nghiệp Việt Nam, lưu ý cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 có vấn đề Nhà nước và người sản xuất cần quan tâm, đó là tiếp cận như thế nào.

Ông nêu ra 3 điều kiện cần. Thứ nhất là cần có hành lang pháp lý phục vụ cho người sản xuất, chứ không phải dành cho người quản lý. Hành lang pháp lý này phải minh bạch và dễ dàng tiếp cận. Lưu ý là cơ sở hạ tầng phải tương thích với trình độ người sản xuất. Ngoài ra, cần có cơ sở dữ liệu phù hợp với ngành hàng và thị trường.

Một điều kiện đủ quyết định thành công là người sản xuất và doanh nghiệp phải dũng cảm, tâm huyết với nông nghiệp.

“Chúng ta đã biết làm nông nghiệp nhiều rủi ro, nên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phải có bản lĩnh”, ông Bộ nói.

Cũng theo GS. TS. Nguyễn Văn Bộ, không nên tiếp cận kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 4.0 của các nước theo kiểu phong trào. Cũng không nhất thiết phải áp dụng tất cả các công nghệ của cách mạng nông nghiệp 4.0 này, mà phải hài hòa và phù hợp với đặc thù riêng của nước mình.

Nguồn: https://news.zing.vn/lam-nong-nghiep-40-chung-ta-bot-noi-di-can-lam-nhieu-hon-post787409.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Post comment